Trong môi trường xã hội chung đó, việc xây dựng quân đội ta vững mạnh toàn diện không phải dễ dàng và không tránh khỏi tác động của mặt tiêu cực ấy. Trong đội ngũ cán bộ quân đội cũng còn có những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, quân phiệt, cơ hội, thực dụng, tham vọng quyền lực cá nhân, thậm chí suy thoái đạo đức, lối sống, cá biệt có người giảm sút ý chí, phai nhạt lý tưởng, niềm tin đối với chủ nghĩa xã hội; năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn còn nhiều mặt hạn chế, đáng chú ý là trong quán triệt, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng, trong tham mưu những vấn đề chiến lược về quân sự, quốc phòng và quân đội cho lãnh đạo. Đương nhiên những tồn tại đó, không chỉ ở nguyên nhân công tác tư tưởng, lý luận, nhưng cũng phản ánh sự yếu kém của công tác tư tưởng, lý luận. Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về triển khai Chương trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX), quán triệt nhiệm vụ “đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và đổi mới mạnh mẽ nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư tưởng” trong gắn chặt công tác tư tưởng với công tác lý luận cho toàn quân để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng quân đội về chính trị.
Để nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận của quân đội ta trong thời gian tới, chúng ta cần giải quyết một số vấn đề cấp thiết sau:
1. Tăng hàm lượng lý luận trong giáo dục yêu nước, giáo dục bản chất truyền thống của quân đội và nâng cao tính tư tưởng trong truyền thụ các khoa học xã hội và nhân văn cho cán bộ, chiến sĩ.
Giáo dục yêu nước và giáo dục bản chất truyền thống quân đội ta cho các thế hệ quân nhân không bao giờ cũ, mà là một thành tích nổi bật của công tác tư tưởng trong quân đội, được thực hiện có nề nếp tại các đơn vị trong toàn quân. Trong những năm đổi mới hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, việc giáo dục này được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, không khô cứng. Nhưng việc xây dựng quân đội về chính trị và việc bồi dưỡng nhân cách người quân nhân cách mạng đang đặt ra yêu cầu cao hơn cho nội dung giáo dục đó. Kết hợp với trang bị kiến thức lịch sử và tạo sự tích hợp tri thức cảm tính trong các hoạt động giao tiếp xã hội, cần thiết phải tăng hàm lượng lý luận trong giáo dục. Trình độ học vấn của các thế hệ quân nhân ngày nay có điều kiện để thực hiện điều đó. Tính cấp thiết của vấn đề là bồi dưỡng bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ trên cơ sở trình độ tư duy lý luận đảm bảo cho họ sức đề kháng cao trước sự lây lan trong xã hội tâm lý sùng ngoại và mặc cảm với thuật ngữ chính trị là những thứ đang được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để tiêm nọc độc dân chủ tư sản phản động, coi “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, cường điệu “công quyền”, bác bỏ tính giai cấp của nhà nước và quân đội. Nếu quân đội ta tiêm nhiễm những độc tố đó thì thực là tiềm ẩn nguy cơ cho Tổ quốc, cho Đảng, cho nhân dân.
Công tác tư tưởng, lý luận phải trên cơ sở nhuần nhuyễn những vấn đề lý luận với tư duy đổi mới về mối quan hệ biện chứng giữa giai cấp và dân tộc, chế độ và Tổ quốc, chính trị và kinh tế, chính trị và quân sự với bồi dưỡng và kiên định cho cán bộ, chiến sĩ chủ nghĩa yêu nước phát triển: yêu nước xã hội chủ nghĩa; phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc; lý tưởng chiến đấu cao cả vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Đồng thời cũng đánh bại âm mưu “phi chính trị hoá” quân đội trong thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” của kẻ thù.
Nếu trong giáo dục tại chức về chủ nghĩa yêu nước, về bản chất truyền thống quân đội nên tăng cường hàm lượng lý luận như vậy, thì trong học tập lý luận, nhất là tại các học viện, nhà trường, trong khi trang bị kiến thức cơ bản về các khoa học xã hội và nhân văn, trước hết là các bộ môn chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phải quan tâm thoả đáng hơn đến tính tư tưởng, tính chiến đấu của lý luận. Nói tổng quát, cả người dạy và người học đều phải có chủ đích rút ra từ các học thuyết, các nguyên lý những giá trị chẳng những về thế giới quan, phương pháp luận, mà cả về nhân sinh quan, bao gồm cả tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống.
Hiện nay phải cấp bách khắc phục tình trạng học tập lý luận dừng lại ở trang bị kiến thức, thực hiện hời hợt phương châm liên hệ lý luận với thực tế, thiếu tính chiến đấu, coi nhẹ tự phê bình và phê bình trong quá trình tiếp thu kiến thức cũng như truyền thụ kiến thức. Sự dàn trải nhiều nội dung trong một chương trình, trong đó có những bộ môn, chủ đề có thể để ngoại khoá hoặc giành cho tự học của học viên khiến cho dạy và học chạy theo kiến thức để lấy chứng chỉ, việc tu dưỡng tư tưởng ở mỗi môn học và liên thông giữa các môn học không được thực hiện nghiêm chỉnh. Điều này góp phần giải thích vì sao tỷ lệ cán bộ được đào tạo chính quy ngày càng cao với cấp học vấn tương xứng với chức danh đào tạo, mà chất lượng chính trị, đạo đức lối sống không phát triển tương ứng.
2. Kết hợp công tác tư tưởng, lý luận với công tác tổ chức, cán bộ, kiên quyết tập trung giải quyết những khúc mắc trong cơ cấu tổ chức lãnh đạo - chỉ huy để giữ vững sự thống nhất chính trị tinh thần của toàn quân.
Hiện nay đang có vấn đề khúc mắc trong cơ cấu tổ chức lãnh đạo chỉ huy của quân đội ta do các quan niệm khác nhau trong giới lãnh đạo, chỉ huy ở những cấp nhất định, có sự hậu thuẫn của một số cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu. Đó là vị trí của người cán bộ chính trị trong thực hiện chế độ “một người chỉ huy”.
Vấn đề này tuy chưa gây tranh cãi rộng rãi nhưng trong ý thức tư tưởng của một bộ phận cán bộ, phần lớn ở cấp chiến dịch, chiến lược có sự nhận định, đánh giá khác nhau cả đối với thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo và cả đối với phẩm chất nhân cách những người chủ trì lãnh đạo, chỉ huy. Nếu không kiên quyết tập trung giải quyết tốt điều này sẽ dẫn đến sự mất đoàn kết ngấm ngầm ngày càng tăng lên, ảnh hưởng xấu cho xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện.
Để giải quyết thấu đáo, đúng nguyên tắc, sát hợp thực tế vấn đề đặt ra, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phải nghiêm túc, thận trọng, khách quan, khoa học, đi kèm công tác tư tưởng phải ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện sai lầm cả về ý thức tư tưởng và phương pháp tư tưởng, đặc biệt trong đó không để chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng địa vị, quyền lực, bệnh suy diễn suông và kinh nghiệm chủ nghĩa… chi phối.
Hiện đã có những phương án đề xuất cách giải quyết, nhưng đều được đánh giá là chưa thuyết phục bởi qua luận giải thấy rõ một khuynh hướng nghiên cứu theo kiểu chứng minh hình học, chưa thật nghiêm túc khảo sát thực tế quan hệ giữa hoạt động theo chức trách của các cá thể để phát hiện điểm cơ bản của sự khúc mắc. Do vậy, người ta cảm thấy thiếu khách quan, thậm chí có tính gò ép khi từ những yếu kém về phẩm chất nhân cách của một số người chỉ huy và của một số cán bộ chính trị làm giảm sút hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, quy về sự chưa hoàn thiện của cơ chế, chế độ. Đáng ra (nếu có tình hình cản trở này) thì phải xử lý về công tác cán bộ, bao gồm cả khâu đào tạo và khâu xử lý kỷ luật.
Vấn đề vô cùng hệ trọng này của xây dựng quân đội ta theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, rõ ràng cần phải có sự kết hợp của công tác tổ chức, công tác cán bộ với công tác tư tưởng, lý luận và đòi hỏi nhiều công sức của công tác tư tưởng, lý luận.
3. Công tác tư tưởng, lý luận trong quân đội thiết thực tham gia thực hiện chiến lược con người của Đảng và Nhà nước trong mô hình đào tạo nguồn cán bộ kế cận cho các địa phương.
Trên bình diện chiến lược, trong thực hiện chức năng công tác, Quân đội nhân dân Việt Nam được coi là “trường học lớn” đào luyện con người, với ý nghĩa là một môi trường rèn luyện. Ngày nay đã có những mô hình cụ thể thực hiện vai trò “trường học lớn” có kế hoạch, đối tượng và mục tiêu xác định trong sự liên kết đơn vị với địa phương. Ngoài việc đào tạo có chủ định những cán bộ chính trị cấp phân đội từ chiến sĩ người các dân tộc ít người, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng như tại Học viện Chính trị quân sự, ở một số quân khu đã tổ chức liên kết tỉnh, thành với các đơn vị chủ lực, để giúp các địa phương thực hiện quy hoạch cán bộ qua con đường nghĩa vụ quân sự.
Công tác tư tưởng, lý luận cần tổng kết thực tiễn về loại hoạt động này để kiến nghị phương án tối ưu, khả thi lồng ghép những nội dung cần thiết nhất định, đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lý có tính phổ cập ở địa phương, vào trong chương trình huấn luyện quân sự, chính trị, chuyên môn cho các đối tượng làm nghĩa vụ quân sự. Đương nhiên, thực hiện sự liên kết với địa phương có chất lượng phải tính toán đến yếu tố tổ chức, cán bộ và yếu tố thời gian. Những kết quả đem lại chẳng những thắt chặt đoàn kết quân dân, mà còn đảm bảo chất lượng cao của lực lượng dự bị động viên, hơn nữa là tạo được những người chủ trì trong hệ thống chính trị ở cơ sở có năng lực lãnh đạo, quản lý quân sự - quốc phòng ở các địa phương.
4. Tổ chức sự hợp lực các lực lượng làm công tác tư tưởng, lý luận trong toàn quân.
Chất lượng của công tác tư tưởng, lý luận nói chung và sự thực thi được những vấn đề nêu trên đây phụ thuộc vào sự hợp lực của tất cả các lực lương làm công tác tư tưởng, lý luận trong toàn quân, chủ yếu đó là: đội ngũ cán bộ chính trị bao gồm cán bộ ngành tư tưởng văn hoá và cán bộ chủ trì công tác đảng, công tác chính trị các cấp; đội ngũ giáo viên các khoa học xã hội và nhân văn và đội ngũ nghiên cứu viên các khoa học này.
Dưới sự chỉ đạo tập trung của Tổng cục Chính trị, Cục Tư tưởng văn hoá cần phát huy vai trò là cơ quan tham mưu để đề xuất chương trình, kế hoạch tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi đội ngũ, tạo điều kiện bồi bổ cho nhau trong phát huy tiềm năng, thế mạnh đó để thực hiện chương trình, kế hoạch đề ra. Hạt nhân của lực lượng ấy là các cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo ở các cơ quan chức năng Tổng cục Chính trị, Học viện Chính trị quân sự, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Với sự hợp lực, có sự tập trung chỉ đạo và sự chủ động hợp tác giữa các đội ngũ, sẽ tận dụng được thông tin nhiều chiều trong sự giao lưu có tổ chức giữa cơ quan, viện, trường, đơn vị; sẽ phát huy thuận lợi trí tuệ tập thể; sẽ được bảo đảm các điều kiện cần thiết cho nghiên cứu và giáo dục, chắc chắn công tác tư tưởng, lý luận của quân đội ta sẽ có chất lượng ngang tầm với nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét