Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC PHẨM CHẤT CHÍNH TRỊ CHO HỌC VIÊN Ở TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

                                                                   
Tiến hành Công tác đảng công tác chính trị là một nguyên tắc trong xây dựng quân đội kiểu mới, “là mạch sống”, “linh hồn” của quân đội ta, đảm bảo cho quân đội luôn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị trong sạch vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, tổ quốc và nhân dân. Tiến hành Công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội là trách nhiệm của nhiều lực lượng nhiều tổ chức, trong đó đội ngũ cán bộ chính trị viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo tinh thần nghị quyết 51- NQ/TW của Bộ ChínhTrị, Chính trị viên “là người chủ trì về chính trị”, chịu trách nhiệm chính trong định hướng chính trị cho mọi hoạt động của đơn vị và mọi hoạt động của cá nhân trong đơn vị theo đúng đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp uỷ, tổ chức đảng, mệnh lệnh chỉ thị cuả người chỉ huy. Để hoàn thành nhiệm vụ chức trách thì chính trị viên phải là người thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, mẫu mực về đạo đức lối sống, có tính tổ chức và tính lỷ luật cao, có kiến thức năng lực toàn diện, giỏi tiến hành Công tác đảng công tác chính trị…trong đó phẩm chất chính trị không chỉ có ý nghĩa định hướng cho toàn bộ hoạt động của bản thân mà còn là phẩm chất hàng đầu trong việc định hướng chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và trong giải quyết các mối quan hệ…Phẩm chất chính trị của chính trị viên được hình thành và phát triển thông qua nhiều con đường khác nhau, song thông qua quá trình học tập, rèn luyện tại nhà trường là con đường cơ bản, giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Trường sĩ quan Chính trị là trung tâm đào tạo chính trị viên, cho toàn quân; trong những năm qua, việc giáo dục phẩm chất chính trị cho các đối tượng học viên đã được coi trọng và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; tuy nhiên so với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới, sự nghiệp xây dựng quân đội “cách mạng chính qui tinh nhuệ từng bước hiện đại”, lấy xây dựng chính trị  làm cơ sở để phát huy sức mạnh các nhân tố khác thì việc giáo dục phẩm chất chính trị cho những chính trị viên tương lai ở Trường sĩ quan chính trị còn có những hạn chế, thiếu sót, bất cập: một bộ phận học viên thiếu nhạy cảm chính trị, có biểu hiện trung bình chủ nghĩa, thiếu yên tâm công tác, ngại học, ngại rèn, thậm chí vi phạm kỷ luật phải thải loại…Để nâng cao chất lượng giáo dục phẩm chất chính trị cho học viên ở Trường sĩ quan Chính trị hiện nay theo chúng tôi cần thực hiên đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, Kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao trình độ kiến thức mọi mặt với tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị, thế giới quan, phương pháp luận Mác - Lênin, niềm tin cộng sản chủ nghĩa cho học viên
Phẩm chất chính trị của học viên là sự hoà quện giữa nhận thức chính trị sâu sắc; tình cảm, niềm tin chính trị vững chắc và hành vi chính trị đúng đắn; do vậy chỉ có thể xây dựng phẩm chất chính trị cho học viên trên cơ sở trang bị cho họ hệ thống tri thức khoa học cơ bản, hệ thống, hiện đại, thế giới quan phương pháp luận cách mạng, sâu sắc toàn diện chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác- Lênin thể hiện ở khả năng giải thích và cải tạo hiện thực."Điểm căn bản", "linh hồn sống" của toàn bộ học thuyết khoa học Mác- Lênin là phép biện chứng duy vật. Học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin không phải theo lối học thuộc lòng từng câu, từng chữ, mà cần quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Học tập chủ nghĩa Mác- Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến… để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh nước ta"[1]. Trên cơ sở đó, trang bị cho giai cấp công nhân, những người cách mạng và học viên vũ khí sắc bén về lý luận, phương pháp nhận thức và phương pháp hoạt động khoa học
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể Việt Nam; đồng thời kế thừa và phát huy cao độ những tinh hoa trí tuệ của nền văn hoá dân tộc, nhân loại. Cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là: độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng nhân loại…
 Quá trình giáo dục cần cảnh giác, đề phòng và kiên quyết đấu tranh chống lại sự xuyên tạc, chống phá hòng phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch; cần khắc phục khuynh hướng giáo điều, coi chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh như một tín điều. Mặt khác giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cần gắn liền với giáo dục, học tập đường lối quan điểm của Đảng, các giá trị truyền thống dân tộc. Đó chính là thể hiện sự thống nhất giữa thực tiễn và lý luận, truyền thống và hiện đại, chính trị và đạo đức. Chính sự thống nhất đó sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho những nhận thức về chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chuyển hoá thành thế giới quan khoa học, niềm tin cộng sản, thành tình cảm và ý chí cách mạng, thành các yếu tố bền vững trong phẩm chất chính trị của người chính trị viên tương lai.
Hai là, tích cực đổi mới, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục phẩm chất chính trị, tư tưởng,  đạo đức, lối sống cho học viên
 Để công tác giáo dục phẩm chất chính trị - tư tưởng, giáo dục đạo đức lối sống cho học viên đào tạo chính trị viên đạt được chất lượng và hiệu quả cao thì trên cơ sở đổi mới nội dung, phải tiến hành đồng bộ với đổi mới về  mới cả về, hình thức, phương pháp giáo dục. Việc lựa chọn hình thức, phương pháp giáo dục phải xuất phát từ yêu cầu khách quan của mô hình nhân cách, của nội dung giáo dục đào tạo chính trị viên. Mỗi phương pháp hình thức giáo dục bao giờ cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định, do đó để nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục phẩm chất chính trị cho học viên cần sử dụng kết hợp, linh hoạt các phương pháp hình thức, các phương tiện giáo dục để tác động nhiều mặt, nhiều cung bậc khác nhau vào nhận thức, tình cảm, ý chí của học viên. Do vậy trong giáo dục cần kết hợp nhiều hình thức như: giáo dục tập trung; tự nghiên cứu có tổ chức; hội thảo; thông tin chuyên đề; trao đổi toạ đàm; thi tìm hiểu truyền thống, tổ chức báo công; mừng công, phát động thi đua; kết hợp chặt chẽ hoạt động giáo dục với các hoạt động khác như: sinh hoạt chính trị, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình và phê bình của các tổ chức đảng, đoàn, hội đồng quân nhân, chính quyền; hoạt động lãnh đạo, chỉ huy, quản lý giáo dục bộ đội; công tác huấn luyện, tổ chức thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất, bảo đảm đời sống, xây dựng đơn vị nề nếp chính quy, quản lý kỷ luật của đơn vị…
Quá trình giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học viên cần phát huy tối đa sức mạnh hoạt động của các phương tiện, cơ sở vật chất công tác đảng công tác chính trị: sách báo, hệ thống thư viện, phòng Hồ Chí Minh, phòng truyền thống, hệ thống truyền thanh nội bộ, băng cờ, khẩu hiệu, bảng tin, bảng ảnh... là những công cụ, vũ khí mạnh mẽ hỗ trợ đắc lực cho việc truyền thụ và lĩnh hội nội dung giáo dục giúp cho học viên tiếp nhận tri thức lý luận chính trị - xã hội, đạo đức, lối sống... bằng nhiều kênh, nhiều chiều góp phần nâng cao trình độ nhận thức lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị quân sự của Đảng, những giá trị, chuẩn mực đạo đức, lối sống mới xã hội chủ nghĩa cho học viên.
Ba là, Tích cực hoá quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của học viên trong xây dựng, hình thành phẩm chất chính trị của người chính trị viên
Chất lượng, hiệu quả của quá trình giáo dục nói chung, giáo dục phẩm chất chính trị nói riêng của học viên ở Trường sĩ quan Chính trị chỉ đạt được hiệu quả cao khi mỗi học viên tự ý thức và thực hiện tốt quá trình chuyển hoá giáo dục thành tự giáo dục, tích cực chủ động rèn luyện, tu dưỡng thông qua thực tiễn công tác. Để tích cực hoá quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của học viên cần phải làm tốt một số vấn đề sau:
  * Thường xuyên xây dựng mục đích, động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn cho học viên. Mục đích, động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra động lực thúc đẩy quá trình học tập, rèn luyện của họ. Để tạo ra động cơ, mục đích học tập đúng, trước hết cần làm cho học viên hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường. Tăng cường giáo dục truyền thống, khích lệ lòng tự hào dân tộc…. Làm cho mỗi học viên thấy rõ vinh dự, trách nhiệm của mình trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường cũng như công tác sau khi ra trường. Tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản, ý thức nỗ lực phấn đấu, sẵn sàng cống hiến hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng quân đội.
* Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng tự giáo dục, tự rèn luyện phẩm chất chính trị cho học viên thông qua quá trình dạy học, giáo dục tại đơn vị. Kỹ năng tự giáo dục là hệ thống những thao tác, hành vi tự định hướng, tự tổ chức và tự điều khiển các hoạt động học tập và rèn luyện; kỹ năng tự giáo dục là yếu tố trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả tự giáo dục của học viên, giúp họ đưa ra những quyết định, đồng thời thực hiện những hành vi phù hợp và hiệu quả. Kỹ năng tự giáo dục như: kỹ năng tự định hướng mục tiêu, tự thiết kế  và thực hiện kế hoạch tu dưỡng và rèn luyện, kỹ năng tự quan sát thái độ và hành vi của người khác và bản thân, tự thuyết phục tự phê bình, tự cam kết …trong đó tự thuyết phục giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động tự giáo dục .
* Bồi dưỡng phẩm chất ý chí, tổ chức cho học viên tham gia vào các hoạt động thực tiễn  để rèn luyện phẩm chất chính trị  trong quá trình đào tạo tại Nhà trường. Tự giáo dục là quá trình diễn ra lâu dài, với nhiều khó khăn, phức tạp nảy sinh; đây là cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt, động chạm đến lợi ích, nhu cầu, thói quen, lối sống của học viên. Chỉ có ý chí mạnh và sự tích cực trong hoạt động thực tiễn mới giúp học viên vượt qua được khó khăn để đạt mục đích và tự phát triển, tiến tới hoàn thiện phẩm chất chính trị, nhân cách của mình. Do vậy, việc phát triển, bồi dưỡng ý chí, tổ chức cho học viên tham gia vào các hoạt động thực tiễn dạy học , giáo dục là công việc thường xuyên, liên tục của nhà giáo dục, của các lực lượng sư phạm trong Nhà trường.  
Bốn  là, Xây dựng môi trường chính trị, văn hoá trong sạch lành mạnh góp phần tích cực giáo dục phẩm chất chính trị  cho học viên
Môi trường và con người luôn có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau, trong đó con người vừa là sản phẩm của môi trường, của các hoàn cảnh và quan hệ xã hội, vừa là chủ thể năng động, tích cực cải tạo hoàn cảnh và cải tạo chính bản thân mình. C.Mác khẳng định: hoàn cảnh sáng tạo ra con người trong chừng mực con người sáng tạo ra hoàn cảnh.
Môi trường chính trị, văn hoá tác động sâu sắc và toàn diện đến đời sống và hoạt động của học viên đặc biệt là đối với việc giữ gìn và phát triển phẩm chất chính trị tinh thần và giá trị truyền thống tốt đẹp của đơn vị, của quân đội. Khi những giá trị phẩm chất chính trị tinh thần, truyền thống được chuyển hoá thành các nhân tố của môi trường văn hoá sẽ tác động mạnh mẽ trở lại tới quá trình hình thành phẩm chất chính trị tinh thần, đạo đức lối sống của học vên. Môi trường chính trị, văn hoá  lành mạnh tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để biến quá trình giáo dục rèn luyện thành tự giáo dục, rèn luyện. Nó chính là mắt khâu chuyển hoá những yêu cầu khách quan của quá trình giáo dục đào tạo thành động cơ bên trong của học viên. Chỉ khi sống trong bầu không khí chính trị, tinh thần, văn hoá lành mạnh thì mỗi học viên mới có thể tiếp thu và chuyển hoá sức mạnh chính trị tinh thần thành động lực thúc đẩy quá trình học tập, rèn luyện phấn đấu vươn lên.
Xây dựng môi trường chính trị, văn hoá trong sạch lành mạnh là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong đơn vị, trước hết là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, đồng thời là việc làm thường xuyên trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; quá trình xây dựng cần quan tâm xây dựng đồng bộ các yếu tố, cả yếu tố  chính trị tinh thần, tư tưởng, văn hoá, các nề nếp chế độ chính qui, các thiết chế và các yếu tố vật chất…, bảo đảm có tác dụng giáo dục tích cực và mạnh mẽ đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách học viên.



[1]. Hồ Chớ Minh toàn t ập, t ập 9, Nxb CTQG, H , 2000, tr292

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét